Đa chiều: những trao đổi sâu sắc về tận dụng dân số vàng
(Ngày đăng:03.08.2012)
DSKG- Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng (2 người trong độ tuổi lao động “cõng” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc) và giai đoạn này được dự báo kéo dài từ năm 2006 – 2045.
Chương trình “Đa chiều” với nội dung tận dụng nguồn nhân lực từ cơ hội dân số vàng dự kiến được phát sóng vào lúc 20h30, thứ Bảy, ngày 11/8/2012 trên kênh VTC1 và VTCHD1.

Trong vòng 40 năm đó, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội vàng này để “cất cánh”, để “hóa rồng” như một số quốc gia trong khu vực đã tận dụng khi bước vào thời điểm này? GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã cuộc trao đổi sâu sắc về vấn đề này trong chương trình “Đa chiều” của Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) với người đồng hành dẫn chương trình GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chiều ngày 2/8/2012.

Toàn cảnh chương trình

Theo lý thuyết về nhân khẩu học, mỗi một đất nước, một dân tộc đều trải qua “cửa sổ cơ hội” vàng này. Theo các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2006 và các nhà nghiên cứu dự báo, giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 40 năm.
Theo TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, chúng ta có số lượng “vàng” nhưng về mặt chất lượng thì đáng ngại: Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên chỉ có 13% là có bằng cấp từ sơ cấp trở lên. Số lượng người trong độ tuổi lao động lớn song lao động giản đơn nhiều. Lâu nay chúng ta cạnh tranh lao động với các nước bằng lượng nhân công rẻ mạt. Nếu muốn thực sự nắm bắt cơ hội vàng thì phải chuyển từ số lượng sang chất lượng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh về tri thức.

TS Dương Quốc Trọng: “Về mặt dân số chúng ta thuộc diện “cường quốc”: Đứng thứ 3 trong khu vực và 13 trên thế giới; chúng ta xuất khẩu gạo, điều, tiêu, cà phê… nhưng giá trị gia tăng không đáng kể”.

Bí quyết “hóa rồng” của các nước luôn được các quốc gia quan tâm. Theo TS Dương Quốc Trọng, cơ hội này chia đều cho tất cả mọi nước và dân tộc. Cơ hội dài ngắn khác nhau sẽ được quyết định về mức sinh và mức chết. Tận dụng như thế nào là do con người quyết định: chính sách và sự chuẩn bị như thế nào? Những “con rồng” châu Á đã tận dụng rất tốt cơ hội có một không hai này và đã cất cánh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
“Những nước tận dụng không thành công chúng ta coi đây là bài học kinh nghiệm như Indonesia, Thái Lan, Philippine. Vậy chúng ta phải sử dụng lực lượng này như thế nào? Để giải quyết về số lượng, theo tôi, cần giải quyết công ăn việc làm tránh “nhàn cư vi bất thiện”, tránh biến động và tệ nạn xã hội. Để giải quyết về chất lượng, cần đào tạo đúng địa chỉ - xã hội cần gì đào tạo cái đó: học phải gắn liền với hành, cuộc sống thực tiễn đòi hỏi gì chúng ta đào tạo đó, tránh lãng phí. Nhiều nơi đào tạo nghề chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” – TS Trọng cho biết thêm – “Phải có người đủ sức khỏe, bản lĩnh, trí tuệ để đất nước cất cánh bay lên. Việt Nam có thể tận dụng hay không? Tôi nghĩ tất cả các nhà hoạch định phải chú ý, chúng ta còn khoảng 30 năm nữa để mong ước trở thành hiện thực. Thời gian đào tạo con người đòi hỏi dài nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. Bằng ý thức và bản lĩnh con người Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được”.

GS Nguyễn Đình Cử: "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các nước tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo cao hơn Việt Nam. Thanh niên một số nước ở tuổi 20 họ đã được đào tạo gấp đôi, thậm chí gấp 5 người Việt Nam”.

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, để chất lượng của đội ngũ lao động “vàng”, chúng ta cần nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo sư lý giải, khi số trẻ em giảm đi, sức ép của dân số lên giáo dục đã giảm rất nhiều. Theo ông, cần tích cực đầu tư vào khoa học kỹ thuật, việc làm để tận dụng số lượng lao động; đào tạo nghề (cho 43 triệu chưa được đào tạo) đa dạng hóa để bất cứ người lao động nào cũng được tham gia lao động; đồng thời chuẩn bị thích ứng với dân số già, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội; phát huy người cao tuổi…

GS Đặng Hùng Võ: “Nếu không tận dụng được cơ hội vàng để cất cánh, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội vàng, “vàng” sẽ thành “chì, kẽm”…

GS Đặng Hùng Võ cho rằng: cơ hội dân số vàng rất quý, nó chỉ đến một lần và không lặp lại. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần nâng cao chất lượng lao động để giá trị của một ngày công có thể cao hơn rất nhiều giá trị mà chúng ta thấy hiện nay.

Ngân hàng Thế giới đã từng nói: Trong các mô hình về tăng trưởng, Việt Nam đang tăng trưởng bằng đầu tư và một phần đang tăng trưởng bằng tài nguyên thiên nhiên và chúng ta đã bỏ qua tăng trưởng bằng nguồn nhân lực. Trong khi các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên” - họ cũng lấy một phần để đầu tư nhưng quan trọng nhất là họ lấy nguồn nhân lực để tăng trưởng. Con người có thể tạo ra công nghệ mới, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. “Đó là cách thức mà các nước họ tận dụng cơ hội vàng trong giai đoạn dân số vàng. Nếu nói đến một sản phẩm có giá trị (lượng chất xám cao) trên trường quốc tế của Việt Nam để người ta cứ phải tìm để mua thì chúng ta không có”. Theo GS Đặng Hùng Võ, vấn đề lớn đặt ra để Việt Nam tận dụng được cơ hội dân số vàng từ nay đến 2045 là cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng, dùng hàm lượng chất xám từ nguồn nhân lực cao”.

Chương trình “Đa chiều” với nội dung tận dụng nguồn nhân lực từ cơ hội dân số vàng dự kiến được phát sóng vào lúc 20h30, thứ Bảy, ngày 11/8/2012 trên kênh VTC1 và VTCHD1.

Hà Anh

Theo Gia đình & Xã hội


 

 Cổng Thông Tin Điện tử Công An tỉnh Kiên Giang
Khảo sát mong muốn sinh con của người Việt Nam hiện nay?
  Tôi muốn sinh 01 con

  Tôi muốn sinh 02 con

  Tôi muốn sinh 03 con

  Tôi không muốn sinh con


Đang Online: 8
Online trong ngày: 149
Online trong tháng: 7178
Tổng lượt truy cập: 935697