Ngày Dân số Thế giới 11-7-2018: Thành công của Kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững
(Ngày đăng:10.07.2018)
DSKG- Chủ đề của Ngày Dân số Thế giới 11-7 năm nay được Quỹ Dân số LHQ chọn là: “Thành công của Kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”. Ở Việt Nam với sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ và sự hỗ trợ của UNFPA, của các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước chương trình dân số-KHHGĐ Việt Nam đã thành công và đạt được những kết quả to lớn.

Trong giai đoạn 1977-2017, số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con xuống còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế. Mức sinh thay thế này đã được duy trì ổn định trong suốt 10 năm qua (Tỉnh Kiên Giang đạt mức sinh thay thế từ năm 2010 và số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ là 1,86). Tỉ lệ phát triển dân số giảm từ mức 3%/năm xuống còn 1,08%  năm 2016. Một thành tựu đáng kể trong công tác DS-KHHGĐ là chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong 56 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,4 tuổi năm 2016. Chuẩn mực gia đình ít con và hạnh phúc đã ngày càng được đại đa số người dân và cộng đồng chấp nhận và thực hiện. Những kết quả trong việc giảm sinh và duy trì mô hình gia đình ít con đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Với thành tựu nổi bật này, Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đánh giá cao và trao tặng giải thưởng Dân số Liên Hiệp Quốc năm 1999. 

Kiên Giang tổ chức Mit-tinh diễu hành Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11-7-2018 với chủ đề: "Không lựa chọn giới tính khi sinh".

Mặc dù chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn kể từ năm 1968, nhưng hiện nay trên thế giới vẫn có hàng trăm triệu phụ nữ, nam giới và thanh niên chưa có cơ hội được tự mình đưa ra các quyết định về KHHGĐ. Hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số đến cuối năm 2017 nước ta vẫn còn khoảng gần 4.926.000 phụ nữ chưa sử dụng biện pháp tránh thai trong tổng số hơn 16.409.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 có chồng. Ở Kiên Giang, trong tổng số gần 320.000 phụ nữ 15-49 có chồng, có tới hơn 75.500 (hơn 23%) người chưa sử dụng biện pháp tránh thai.
Tiến sỹ Natalia Kanem Giám đốc điều hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cho biết: “50 năm trước, tại Hội nghị quốc tế đầu tiên về Quyền con người, thế giới đã thừa nhận kế hoạch hóa gia đình là một quyền cơ bản của con người. Kể từ thời điểm đó tới nay, chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ đáng kể. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, gần 700 triệu phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên tại các nước đang phát triển được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại-đây được coi là phương tiện tốt nhất giúp một cá nhân thực hiện quyền của mình…..”.
Tiến sỹ Natalia Kanem cũng nhấn mạnh: “Việc phụ nữ và trẻ em gái được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại có thể giúp họ chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định có liên quan tới cuộc sống của chính mình. Họ có thể tiếp tục học lên các bậc học cao hơn, có thể tìm được công ăn việc làm tốt hơn, có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội và góp phần tạo nên sự thịnh vượng chung trên toàn cầu. Khi phụ nữ chủ động hơn về tài chính, con cái họ sẽ có cơ hội được học hành tốt hơn và những lợi ích như vậy sẽ tiếp tục được duy trì cho các thế hệ tương lai”.

Trong những năm qua, Kiên Giang luôn tìm cách cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho người dân giúp người dân tiếp cận dễ dàng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo UNFPA, hầu hết số phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng này hiện đang sinh sống tại 69 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng sẽ góp phần cứu sống sinh mạng của rất nhiều phụ nữ thông qua việc tránh được 60 triệu ca mang thai ngoài ý muốn trên phạm vi toàn thế giới, đồng thời giảm 1/3  tỷ lệ tử vong mẹ. Ước tính năm 2017, con số tử vong mẹ là 303.000 ca.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gần gấp đôi trên toàn thế giới - từ 36% tại thời điểm năm 1970 lên 64% vào năm 2016. Tuy nhiên, các nước đang phát triển và các nước nghèo vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để có thể đảm bảo rằng tất cả phụ nữ có nhu cầu đều có thể tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại.
Hiện nay, dân số Việt Nam là khoảng 93,7 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,17% năm 2005 và hiện ở mức 1%/ vào năm 2017. Như vậy, hơn 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh được hơn 27 triệu người, tương đương dân số 27 tỉnh có quy mô dân số ở mức trung bình hiện nay. Tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh bước đầu được kiềm chế và hiện đang ở mức 112,2 trẻ em nam/100 trẻ em nữ (Tỷ lệ này ở Kiên Giang là 110 bé trai/100 bé gái). Tình trạng sức khoẻ bà mẹ trẻ em, sức khoẻ sinh sản được cải thiện rõ rệt thể hiện qua tỷ số tử vong mẹ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh. Tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2017 là 70,0%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 66,6%.
Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, hàng năm Việt Nam giảm khoảng 90 vạn phụ nữ không tham gia vào quá trình sinh đẻ, không có nguy cơ tử vong do thai sản. Với việc “tránh sinh” được hàng chục triệu người trong hàng thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Chỉ riêng giai đoạn 1991-2010 đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2%/năm.

Viên chức dân số và lực lượng cộng tác viên diễu hành cổ động tuyên truyền chủ trương chính sách dân số và phát triển đến người dân.

Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7/2018, với chủ đề “Thành công của Kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”, cũng là năm đầu tiên tỉnh Kiên Giang nói riêng và các địa phương của cả nước nói chung triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác Dân số trong tình hình mới vì vậy chúng ta mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo, sự hỗ trợ và tham gia tích cực của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể đối với công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho người dân, đặc biệt là phụ nữ. Phụ nữ được chăm sóc sức khoẻ sinh sản tốt hơn thì họ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Đặc biệt cần giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ, đây chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Thực hiện KHHGĐ sẽ có sức khỏe tốt hơn và có thể giảm các rủi ro liên quan tới tử vong mẹ. Còn đối với các em gái kết hôn muộn hơn sẽ có cơ hội hoàn thành các bậc học cao hơn và số năm đi học càng nhiều thì càng có ít con hơn. Chính vì vậy, đầu tư vào KHHGĐ sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn. KHHGĐ cũng chính là cơ sở tạo ra lợi tức dân số và đóng góp tích cực cho phát triển bền vững hay nói cách khác thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững./.

UNFPA và kế hoạch hóa gia đình

Kế hoạch chiến lược mới của UNFPA đặt mục tiêu “Đáp ứng tất cả các nhu cầu về các biện pháp KHHGĐ tới năm 2030”. Đây là một trong ba kết quả mang tính thay đổi được đặt ở vị trí trung tâm trong Kế hoạch mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc mong muốn thực hiện.
Trong năm 2017, các biện pháp tránh thai do UNFPA cung cấp (các biện pháp tránh thai hiện đại) có thể đáp ứng được 27 triệu người sử dụng.
Những biện pháp tránh thai này có thể giúp chúng ta ngăn chặn:
• 13,5 triệu ca mang thai ngoài ý muốn
• 32.000 ca tử vong mẹ
• 207.000 ca tử vong trẻ em
• 4,1 triệu ca phá thai không an toàn

Các biện pháp tránh thai do UNFPA cung cấp trong năm 2017 có thể đã giúp các gia đình và hệ thống y tế tiết kiệm được một số tiền tương đương với 819 triệu đô la – chủ yếu là các chi phí trực tiếp liên quan tới chăm sóc sức khỏe (các chi phí chăm sóc y tế trong thời gian mang thai và sinh nở).

Bài và ảnh: Tuấn Nghĩa

 Cổng Thông Tin Điện tử Công An tỉnh Kiên Giang
Khảo sát mong muốn sinh con của người Việt Nam hiện nay?
  Tôi muốn sinh 01 con

  Tôi muốn sinh 02 con

  Tôi muốn sinh 03 con

  Tôi không muốn sinh con


Đang Online: 2
Online trong ngày: 130
Online trong tháng: 1253
Tổng lượt truy cập: 951459