Những điều cha mẹ cần biết khi trẻ dậy thì sớm
(Ngày đăng:14.06.2022)
DSKG- Những đúa trẻ vào giai đoạn dậy thì, nhưng quá trình này lại khởi phát sớm hơn so với các bạn cùng lứa, điều này cũng sẽ dẫn tới một số hệ luỵ nếu không được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần bình tĩnh đồng hành cùng con thực hiện những lời khuyên hữu ích của bác sĩ chuyên khoa.

Theo các bác sĩ, dậy thì sớm được xác định khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Ðối với bé gái, phần lớn trường hợp đơn thuần chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Tuy nhiên, một số trường hợp lại là dấu hiệu cho thấy trẻ mắc một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.

 

Dậy thì sớm có thể gây nhiều tác hại đối với trẻ. Những thay đổi trên cơ thể bé gái dậy thì sớm có thể khiến bé ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, đôi khi bị bạn bè trêu chọc. Một trong những lo ngại của cha mẹ chính là trẻ dậy thì sớm sẽ hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Mới dậy thì, trẻ cao lớn nhanh nhưng giai đoạn đó không kéo dài lâu. Bé gái dậy thì sớm có nguy cơ rối loạn nội tiết tố và mắc bệnh hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành. Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học. Sự phát triển này có thể dẫn trẻ sớm ham muốn tình dục trong khi chưa chín chắn, trưởng thành, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Hệ lụy của việc quan hệ tình dục quá sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, gia tăng tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, thậm chí để lại những sang chấn tâm lý kéo dài đến tương lai.

 

Trẻ trai dậy thì xuất hiện sớm hơn 1 năm so với trung bình (11,9 tuổi) có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn 2,9cm. Nếu dậy thì xuất hiện sớm hơn trung bình 2 năm thì chiều cao khi trưởng thành thấp hơn 6,8cm. Trẻ gái dậy thì xuất hiện sớm hơn 1 năm so với trung bình (10 tuổi) có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn 4,6cm. Nếu dậy thì xuất hiện sớm hơn 2 năm thì chiều cao khi trưởng thành thấp hơn tới 10,8cm.Trong khi đó, một số thống kê ước tính tại Việt Nam, trẻ dậy thì sớm có chiều cao trưởng thành thấp hơn hẳn bạn bè. Trẻ gái có thể thấp hơn 12cm, trong khi trẻ trai thấp hơn tới 20cm.

 

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này, đó là: Trẻ mắc bệnh u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp; Dậy thì sớm phổ biến ở bé gái hơn bé trai; lượng estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ nhựa; nguyên nhân huyết thống; do thuốc. Quá trình dậy thì sớm ở trẻ có thể tiến triển nhanh hoặc chậm, bố mẹ cần quan sát để không bỏ lỡ cơ hội điều trị cho trẻ.

Một buổi tư vấn nâng cao chất lượng giống nòi cho phụ nữ tại xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc.                                        A. Thanh Dũng

Theo đó, ở nhóm tiến triển nhanh: Phần lớn các bé gái bị dậy thì sớm (đặc biệt là các trường hợp bắt đầu dậy thì trước 6 tuổi) thuộc nhóm này. Các bé trải qua từng giai đoạn (bao gồm đóng sụn tăng trưởng của xương) với tốc độ rất nhanh nên trẻ sẽ mất rất nhiều chiều cao tiềm năng có thể đạt tới khi đến tuổi trưởng thành. Khi trưởng thành, các bé sẽ thuộc nhóm 5% có chiều cao thấp nhất so với các bạn cùng lứa tuổi.Ở nhóm tiến triển chậm: Nhiều bé gái tuy bắt đầu dậy thì sớm (đặc biệt là trường hợp bắt đầu dậy thì sau 7 tuổi) nhưng vẫn trải qua tất cả các giai đoạn với tốc độ trung bình. Trẻ sẽ cao vọt lên sớm nhưng vẫn tiếp tục lớn cho đến khi xương đạt độ trưởng thành cuối cùng vào khoảng 16 tuổi.

 

Cha mẹ nhận thấy trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Theo các bác sĩ, cha mẹ cần cùng con vượt qua giai đoạn này, giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi tâm sinh lý trong quá trình phát triển của trẻ. Thậm chí, cha mẹ có thể đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ đúng cách. Thường xuyên liên lạc với giáo viên theo dõi quá trình học tập của con, để kịp thời động viên con tập trung học hành.

 

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngửa tình trạng dậy thì sớm, đặc biệt ở bé gái, cha mẹ nên quan tâm thực hành lối sống tích cực trong mỗi gia đình. Ðó là thói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng với các thành phần rau củ quả, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh. Hạn chế tình trạng tăng cân quá mức ở trẻ. Cha mẹ cũng lưu ý hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thực phẩm hay mỹ phẩm, dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn chứa độc tố hay thành phần hormone tăng trưởng ảnh hưởng sinh lý của trẻ. Song song đó, thường xuyên vận động, khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe. Giám sát, hạn chế thời gian trẻ tiếp cận các thiết bị điện tử.

 

Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương trẻ liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sẽ ngừng phát triển chiều cao và thường không thể đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành.Dậy thì sớm ở trẻ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn như giới hạn sự phát triển chiều cao, gây rối loạn tâm lý cho trẻ... Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, các bậc phụ huynh nên cho con đi thăm khám, chẩn đoán và can thiệp sớm để đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ về mức bình thường. Làm tốt các khuyến cáo trên sẽ góp phần tạo nên những công dân khỏe mạnh, chuẩn mực, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giống nòi về thể chất và tinh thần cho lứa tuổi vị thành niên./.     Bài,ảnh. Thanh Thanh

 Cổng Thông Tin Điện tử Công An tỉnh Kiên Giang
Khảo sát mong muốn sinh con của người Việt Nam hiện nay?
  Tôi muốn sinh 01 con

  Tôi muốn sinh 02 con

  Tôi muốn sinh 03 con

  Tôi không muốn sinh con


Đang Online: 4
Online trong ngày: 125
Online trong tháng: 1248
Tổng lượt truy cập: 951454